Theo thống kê phát triển tên miền tại Việt Nam trong năm năm 2004 – 2011 thì số lượng tên miền được đăng ký đã tăng lên gấp 20 lần. Kể từ khi trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) cho phép doanh nghiệp đăng ký tên miền miễn phí hồi năm ngoái, số tên miền .vn cũng đã tăng lên đáng kể.
Khi chi hơn 2 tỉ đồng mua lại tên miền bkav.com, tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết đã mua được giá “hời” sau khi đàm phán thành công với một công ty của Mỹ. Hơn 10 năm trước, Bkav đã không nghĩ đến việc mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước bkav.com.vn. Khi cần mở rộng lĩnh vực kinh doanh, năm ngoái công ty cổ phẩn Thế Giới Di Động đã bỏ ra nhiều tỉ mua tên miền dienmay.com. Theo ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh, phải xem đó như là một chi phí kinh doanh vì tên miền này có lượng tìm kiếm cao hơn tên miền thegioidientu.com họ đã sở hữu trước đó khi mở rộng kinh doanh ngành hàng điện máy.Tuy nhiên đi cùng với tốc độ phát triển này thì các vụ tranh chấp tên miền cũng tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền tỉ mua lại tên miền thương hiệu của mình vì đã đến lúc cần. Giới kinh doanh tên miền vốn nhanh nhạy hơn nhắm vào các doanh nghiệp tên tuổi, các lĩnh vực phát triển sớm hơn để đón lõng nhu cầu. Chính vì thế những công ty viễn thông công nghệ, ngân hàng hay bất động sản đã sớm nằm trong tầm ngắm đó.
Những website thương mại điện tử của Việt Nam có lượng truy cập lớn, dù tên miền đã được đăng ký cũng nằm trong tầm ngắm như vozforums.com, diadiem.com, 5giay.com… bị hacker kiểm soát và rao bán, chủ doanh nghiệp phải mất thời gian chứng minh các cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp và đòi lại tên miền, có doanh nghiệp thành công nhưng có doanh nghiệp thất bại. Những vụ tranh chấp điển hình khác gần đây như tên miền ebay.com.vn hay samsungmobile.com.vn. Nguyên tắc của tên miền là ai mua trước người ấy được, vì thế nhiều doanh nghiệp phải gian nan đi đòi lại tên miền, mất nhiều thời gian, thủ tục pháp lý và chi phí nhưng vẫn thất bại.
Nếu tính thời điểm năm 1997 Việt Nam mới chính thức kết nối internet thì nhiều tên miền thậm chí đã bị “soán” trước khi internet có mặt ở Việt Nam hoặc doanh nghiệp chưa tham gia thị trường. Nền kinh tế thời điểm đó còn hạn chế, quy mô doanh nghiệp nhỏ và chưa có nhu cầu ra thị trường quốc tế nên việc mất tên miền quốc tế là khá phổ biến. Tên miền quốc tế fpt.com bị mua từ năm 1995, viettel.com bị mua từ năm 1997, mobifone.com từ năm 1998, bkav.com năm 2001, viettien.com, vinaphone.com từ năm 2003… Cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu thông thường là tên miền quốc tế .com vì tính nhận biết cao và phù hợp thói quen tiêu dùng của thị trường quốc tế. Theo ông Quảng, khi sản phẩm có thương hiệu và doanh nghiệp có nhu cầu hướng ra thị trường quốc tế nên mua ngay tên miền quốc tế để tránh phải chi nhiều tiền mua về sau.
Nhu cầu tên miền tại Việt Nam đã tăng vọt tại Việt Nam gần đây không chỉ vì ý thức được giá trị của nó mà doanh nghiệp bắt đầu có nhu cầu thật sự cho việc phát triển thương hiệu, kể cả các công ty nước ngoài vào Việt Nam và các công ty Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các tên miền gắn với thương hiệu thường đã được đăng ký. Khi mua lại tên miền thương hiệu cho mình, suy cho cùng đó là mức giá phải trả như một chi phí kinh doanh, như tất cả các mảng kinh doanh khác. Cái khác ở đây là chọn đăng ký sớm và trả phí duy trì hàng năm hay chờ cho đến khi doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và cần thiết nó cho việc khuếch trương thương hiệu và kinh doanh. Cách phù hợp nhất đến nay vẫn là đăng ký sớm thay vì phải áp dụng những biện pháp khác.
Theo thống kê mới nhất của VNNIC, hiện có hơn 180.000 tên miền .vn được đăng ký, nếu tính những doanh nghiệp đăng ký đến hàng chục tên liên quan đến công ty, sản phẩm hay dịch vụ của mình thì số doanh nghiệp đã
đăng ký tên miền .vn là khoảng 20%. Trong năm 2011, kể từ khi cấp
tên miền miễn phí tiếng Việt vào tháng 4.2011, đến cuối năm 2011 VNNIC đã cấp được hơn 500.000 tên miền, gấp hơn ba lần tổng số tên miền truyền thống đã phát triển được một năm trước đó.
Việc đầu cơ tên miền quốc tế đã trở nên phổ biến từ lâu trên toàn cầu, trước khi nhiều thương hiệu Việt Nam định vị được trên thị trường toàn cầu. Mức giá tên miền được giới kinh doanh tên miền đưa ra dựa vào mức độ nổi tiếng của doanh nghiệp đó. Vấn đề là “độ trễ” này là bao lâu, doanh nghiệp cần quan tâm để trả mức giá có lợi nhất, chi phí thấp nhất cho việc kinh doanh của mình.
Theo: SGTT.VN